Đưa trầm hương Hà Tĩnh vươn xa đến các thị trường châu Âu, Mỹ và toàn thế giới

UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định dó trầm là cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao và đang có lợi thế phát triển tại địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký kết hợp tác phát triển dó trầm và sản phẩm trầm hương Hà Tĩnh với Hội Trầm hương Hàn Quốc (KAA) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm trầm hương đến với các thị trường Mỹ, châu Âu và toàn thế giới.

Giới thiệu về trầm hương tự nhiên tỉnh Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là một tỉnh nằm ở miền Bắc Trung Bộ của Việt Nam, nơi có nền nông nghiệp vô cùng phát triển. Ngoài ra, tỉnh còn được biết đến như một vùng đất “rừng vàng, biển bạc” các sinh vật tự nhiên hội tụ ở vùng đất này khá nhiều. Trong thời gian gần đây cùng với nhịp độ phát triển chung của nền kinh tế, Hà Tĩnh  đã có những bước chuyển mình nhanh chóng. Tại Hà Tĩnh có rất nhiều đặc sản và sản vật quý hiếm được rất nhiều chuyên gia đánh giá cao về chất lượng. Khi nhắc đến Hà Tĩnh một trong những sản vật thiên nhiên có giá trị cao không thể không kể đến đó là trầm hương tự nhiên. Ngày nay, diện tích trầm hương tự nhiên ở Hà Tĩnh đặc biệt phát triển và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.

Việc khai thác gỗ trầm hương tự nhiên ở Hà Tĩnh diễn ra sôi động vào những năm 80, 90 của thế kỉ 20 khiến cho sản lượng trầm hương tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Để bù đắp lượng trầm hương tự nhiên bị hao hụt người dân nơi đây đã tăng cường trồng và mở rộng diện tích cây dó bầu, đến giờ lượng trầm hương tự nhiên khai thác được từ Hà Tĩnh không ngừng tăng lên, mang đến niềm vui và hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.

Người dân tỉnh Hà Tĩnh vươn lên làm giàu nhờ sản phẩm trầm hương

Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay toàn tỉnh có 2.376 ha diện tích cây dó bầu. Cây dó trầm được trồng chủ yếu ở các huyện miền núi như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Kỳ Anh, Can Lộc. Trong đó, đặc biệt, phát triển mạnh ở xã Phúc Trạch (Hương Khê). Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 150 ha trồng tập trung ở các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Trà, Phú Gia (Hương Khê); Sơn Lộc, Thượng Lộc (huyện Can Lộc) và gần 3 triệu cây (tương đương khoảng 3.000ha) trồng phân tán trong vườn hộ. Hiện nay, cây dó bầu tại Hà Tĩnh chủ yếu được trồng theo hình thức tự phát, tuy nhiên vẫn nằm trong sự kiểm soát và hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Tại xã Phúc Trạch, cây dó bầu trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân vươn lên làm giàu. Theo UBND xã Phúc Trạch, hiện nay toàn xã Phúc Trạch có khoảng 310ha diện tích trồng cây dó bầu, trải đều ở tất cả các thôn, và hầu như hộ dân nào cũng trồng.

Năm 2017, toàn xã Phúc Trạch thu về từ cây dó bầu đạt khoảng 39 tỷ đồng, bao gồm 2 dạng: dó bầu tiêu thụ thô bằng cách bán nguyên cây vận chuyển vào các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… và dạng chế tác thành các sản phẩm trầm hương.

Cây dó bầu là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm và đây là một trong những cây trồng góp phần vào làm giàu cho người dân. Tuy nhiên, đối với cấp tỉnh, cấp huyện, do chưa có chương trình nghiên cứu cụ thể, bài bản… nên hiện nay cây dó bầu trồng ở xã Phúc Trạch vẫn chưa tạo được thương hiệu. Chính vì vậy, trong thời gian tới xã Phúc Trạch sẽ tiếp tục tập trung phát triển, mở rộng thêm diện tích trồng cây dó bầu lên khoảng 100 ha.

Không chỉ trồng cây, buôn bán gỗ nguyên liệu, người dân xã Phúc Trạch còn chế tác nhiều sản phẩm độc đáo để gia tăng giá trị sản phẩm.

Hiện nay, ở Phúc Trạch đã có thêm một số người theo nghề chế tác. Cây dó bầu sau khi mua về, tùy theo chất lượng mà phân loại chế tác cho phù hợp. Nếu cây chất lượng kém thì làm nhang, còn tốt hơn đem làm hương trầm, cây dó cảnh; tốt hơn nữa thì đem chế tác. Có những cây dó cảnh giá trị ban đầu rất thấp nhưng qua bàn tay tạo hình của người thợ, có khi lên tới hàng trăm triệu đồng.

Trầm hương là phần gỗ cây dó bầu chứa nhựa thơm, được ví như “linh khí của trời đất”. Trầm thường được kết thành ở những chỗ cây dó bầu bị kiến, sâu đục, gãy cành, hoặc do người đi địu chém vào rễ hoặc gốc vài nhát, gọi là mở miệng.

Với quan điểm chơi dó trầm để đưa lộc vào nhà, đem lại may mắn cho gia chủ, những gia đình chế tác dó trầm tại Phúc Trạch sẽ tìm chọn, chăm chút một “cây gia bảo” hoặc các kỳ thú dó trầm đặt vừa đủ trên bàn hoặc trong nhà để bày bán.

Tại HTX Sản xuất kinh doanh & dịch vụ tổng hợp Thọ Nga (xóm 8, xã Phúc Trạch), những gốc trầm đã được chế tác bày trong nhà rất lạ mắt và độc đáo. Khối tài sản với hàng trăm món dó trầm đã chế tác có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.

Theo quan niệm dân gian, các vật phẩm dó trầm đắt giá để trong nhà sẽ xua đuổi tà khí, mang lại sức khỏe, may mắn, tài lộc cho gia đình. Nhiều khách hàng từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn thậm chí người nước ngoài cũng sẵn sàng chi cho những món trầm đắt tiền để đặt trong nhà lấy may hoặc mang đi biếu, tặng.

Trên thân dó bầu, trầm hương tích tụ thành lớp dầu màu đen mỏng nằm giữa các lớp giác trắng và ròng gỗ. Để lấy được phần trầm hương đặc trưng ẩn bên trong, người thợ phải trải qua các công đoạn gồm: bổ, chẻ, đục, đẽo, phá, tỉa, mài và đánh bóng. Dù chỉ tạo một cây cảnh dó trầm cao chừng 1m, các nghệ nhân cũng phải mất nhiều ngày công vất vả.

Khúc dó bầu được đẽo lớp vỏ ngoài, người thợ phải xoi, xỉa những phần gỗ trắng, để lộ ra những mạch trầm muôn hình vạn trạng. Càng vào sát mạch trầm, người thợ lại càng phải nhẹ tay, để không phạm vào trầm. Với những mạch trầm uốn lượn như trôn ốc, phải tỉ mẩn dùng cây móc nhỏ nạo từng chút gỗ. Gặp những khúc gió bầu lớn, mạch trầm phức tạp, nghệ nhân còn phải mất chục công để có khúc trầm cảnh đẹp.

Để có một cặp trầm dó, rẻ nhất cũng đến chục triệu đồng. Khách hàng muốn sở hữu cộc cao lớn và đẹp, nhiều dó sẽ phải trả số tiền nhiều hơn, từ 50 đến hàng trăm triệu đồng; thậm chí có những cây được gọi là “cây gia bảo” lên đến tiền tỷ.

Giá trầm cảnh từ vài triệu, vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, tùy thuộc loại trầm, dáng cây, nhưng cũng còn tùy thời điểm, tùy người mua. Người bán, người mua đều đánh giá trầm bằng mắt, bằng trực giác là chính. Đi mua gỗ trầm nguyên liệu phải có kinh nghiệm, đoán giá trị trầm trong khúc gỗ khi nó còn nguyên cả vỏ.

Khúc trầm nguyên liệu không bỏ đi phần nào. Các loại dăm (xác xỉa) đều được tận dụng để chế tinh dầu, làm nhang, giá từ vài ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng mỗi kg. Nhang trầm hương không qua hóa chất có mùi thơm, ấm, tạo cảm giác dịu nhẹ và thư thái, có khả năng giảm stress cho gia chủ.

Giá bán của trầm hương rất đa dạng từ vài triệu đến vài trăm triệu hay tiền tỷ cũng có tùy vào chất lượng trầm. Ngoài ra, phần xác tỉa từ giác gỗ dó bầu cũng được tận dụng bán cho người làm nhang, nấu dầu, nước hoa với giá 500.000 đồng/kg.

Các sản phẩm vòng tay phong thủy, vòng tay trang sức làm từ trầm hương thường xuyên ở trong tình trạng “cháy hàng”. Người ta quan niệm rằng, nếu đeo vòng tay trầm hương sẽ được mang lại may mắn, sức khỏe bình an trong cuộc sống.

Nghề chế tác trầm nơi đây đang được khách hàng trên cả nước biết đến bằng những sản phẩm mang phong cách riêng. Đó cũng là cách những người làm nghề ở làng dó Phúc Trạch tìm chỗ đứng bền vững cho sản phẩm trầm mỹ nghệ, nâng cao giá trị cho cây trầm địa bàn.

Nâng cao chất lượng nhằm đưa trầm hương Việt Nam đến gần hơn với các thị trường Mỹ, châu Âu và toàn thế giới

Trước đây, cây dó trầm tự nhiên rất nhiều, song do nạn chặt phá rừng và người dân chưa thực sự hiểu rõ về giá trị của sản phẩm trầm hương nên loài cây này trong tự nhiên đang dần suy thoái, quý hiếm. Việc bảo tồn, phát triển dó trầm thời gian tới là rất cần thiết, bởi giá trị kinh tế của dó trầm cực kỳ lớn. Tại huyện Hương Khê rất nhiều hộ dân trở thành tỷ phú, triệu phú nhờ trồng trầm; một số cây tạo trầm chất lượng đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các hộ gia đình.

Từ năm 2007 đến nay, thông qua sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Trầm hương Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư kinh phí mời các nhà khoa học thực nhiện các đề tài nghiên cứu nhằm nâng cao khả tăng tạo trầm bằng các phương pháp vật lý, cơ giới, sinh học, khoan máy... kết quả thu được khá khả quan, tỷ lệ thành công đạt từ 80 - 90%.

Tuy nhiên, vướng mắc trong việc phát triển dó trầm của Hà Tĩnh hiện nay là do sự hiểu biết về các đặc tính sinh vật học của cây dó trầm nói chung, giá trị sản phẩm trầm hương nói riêng chưa đầy đủ. Chưa có các nghiên cứu khoa học chuyên sâu, kết luận chính xác về các biện pháp kỹ thuật phù hợp về gây trồng, chăm sóc, phương pháp tạo trầm để cây dó cho nhiều trầm và sản phẩm tinh dầu trầm để khuyến cáo người dân.

Hơn nữa, hiện dó trầm chủ yếu do các hộ dân trồng tự phát, chưa có quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ. Việc chế biến, chưng cất tinh dầu trầm đã tiến hành nhưng chưa thành công và phần lớn đang dùng phương pháp chưng cất hơi nước truyền thống nên chất lượng sản phẩm tinh dầu trầm thấp. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu bán cho các tiểu thương đi qua đường tiểu ngạch.  

Sau hơn 20 năm nghiên cứu, đầu tư nguồn lực phát triển cây dó trầm (dó bầu), đến thời điểm này, các nhà quản lý cũng như người dân Hà Tĩnh chưa thực sự hiểu biết về các đặc tính sinh vật học của cây này cũng như giá trị sản phẩm trầm hương để nhân rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Với mục đích khắc phục hạn chế trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký kết hợp tác phát triển dó trầm và sản phẩm trầm hương Hà Tĩnh với Hội Trầm hương Hàn Quốc (KAA).  Theo đó, phía KAA sẽ hỗ trợ Hà Tĩnh nâng chất lượng trầm hương sản xuất tại các địa phương lên bằng 90% trầm hương tự nhiên (hiện tại trầm hương trồng tại các hộ dân chất lượng trầm thấp hơn tự nhiên 30%). Đồng thời, lựa chọn nhân lực của Hà Tĩnh đào tạo thành chuyên gia thẩm định trầm và sản xuất, đưa sản phẩm trầm hương đến với các thị trường Mỹ, châu Âu và toàn thế giới.

UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định dó trầm là cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao và đang có lợi thế phát triển tại địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh mong muốn KAA hỗ trợ các chuyên gia, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu trầm hương sạch chất lượng cao từ khâu chọn giống, gây trồng, phát triển, khai thác và chế biến sản phẩm để từng bước hình thành chuỗi khép kín.

Theo đó, Tỉnh Hà Tĩnh và các sở ngành, địa phương liên quan sẽ tạo mọi điều kiện thông thoáng, thuận lợi để Hội Trầm hương Hàn Quốc (KAAhợp tác đầu tư. Đồng thời, tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ trong việc phát triển, chế biến sản phẩm trầm hương, góp phần khai thác tối đa lợi thế vùng đất đồi núi, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Trước mắt làm điểm mô hình mẫu theo phương thức công nghiệp tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê. Quan tâm đào tạo nghề chế tác trầm cho lao động của Phúc Trạch, bước đầu hình thành các làng nghề chế tác trầm; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ cho các hộ nông dân trồng trầm trong vùng nguyên liệu sạch...

Nguồn: VITIC tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Giỏ hàng
Thống kê
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay24
  • Tháng hiện tại1,643
  • Tổng lượt truy cập45,364
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây